Để làm ra viên gạch bông thành phẩm, người thợ làm gạch phải bỏ biết bao công sức, tâm huyết vào đó. Bởi quy trình sản xuất gạch bông hoàn toàn bằng thủ công. Sự khéo léo, lành nghề và khả năng sáng tạo của người thợ là điều cốt yếu. Những viên gạch bông vì thế mà trở thành vật liệu trang trí độc đáo, được ưa chuộng trong suốt hàng trăm năm qua.
Để sản xuất nên những viên gạch bông, nguyên liệu không thể thiếu vắng chính là xi măng, kế đến là bột cát tự nhiên, bột màu, khuôn và cuối cùng là sự hỗ trợ của chiếc máy ép và tài hoa của người thợ làm gạch. Một viên gạch bông hoàn chỉnh ra đời mất của người thợ biết bao mồ hôi, công sức và tâm huyết. Các công đoạn cần có cho quá trình làm ra viên gạch bông dưới đây sẽ cho bạn thấy sự kỳ công đến thế nào.
Công đoạn 1: Chuẩn bị khuôn rập
Trước hết, công đoạn đầu tiên cực kỳ quan trọng để sản xuất được một viên gạch bông đó là lựa chọn khuôn mẫu hoa văn. Các hoa văn nhã nhặn mà bạn thấy trên tấm gạch bông chính là được sinh ra từ công đoạn này. Khuôn mẫu hoa văn này được đặt vào trong một chiếc khuôn bằng thép có kích thước tương đương kích thước của viên gạch.
Ở công đoạn đầu tiên, người thợ uốn và hàn cố định các thanh kẽm dựa theo hoa văn của mẫu gạch. (Ảnh: gachviet)
Công đoạn 2: Đổ màu tạo lớp đầu tiên cho viên gạch bông
Xong đâu đấy, công đoạn kế tiếp là đổ màu tạo lớp đầu tiên cho viên gạch bông. Người thợ sẽ đổ bằng tay vào những chiếc khuôn riêng biệt hỗn hợp lỏng bao gồm: xi măng trắng, bột đá tự nhiên và bột màu. Trong đó, màu sắc của các viên gạch bông được quyết định do hỗn hợp màu khác nhau được đổ khuôn vào trước đó. Lớp đầu tiên của viên gạch được hình thành ngay sau khi khuôn được lấy ra ngoài.
Từ bột đỏ cẩm thạch, xi măng trắng và các chất màu tự nhiên khác làm nên lớp màu của viên gạch bông. (Ảnh: gachviet)
Công đoạn 3: Làm những lớp tiếp theo
Ngay sau đó, để tạo nên lớp thứ 2 có tác dụng định hình lớp thứ nhất được tốt hơn, người thợ phủ lên trên lớp màu một lớp mỏng hỗn hợp cát và xi măng mịn.
Để viên gạch bông đạt được độ dày như mong muốn, người thợ sẽ đổ tiếp vào khuôn một lớp hỗn hợp cát và xi măng trước khi cho tất cả vào máy ép thủy lực.
Công đoạn 4: Nén bằng máy thủy lực
Công đoạn cho các lớp vào máy ép thủy lực tạo ra phản ứng hóa học giữa các nguyên vật liệu của từng lớp giúp viên gạch bông trở nên cứng cáp. Trong đó, nước ở lớp thứ nhất bắt đầu ngấm ngược trở lại các lớp nguyên liệu khô.
Viên gạch được nén hai lần để đảm bảo khả năng chịu lực. (Ảnh: secointile)
Công đoạn 5: Dưỡng hộ viên gạch bông
Kết thúc công đoạn trên, gạch bông phải trải qua quá trình ngâm nước. Có như thế viên gạch bông mới đạt đến độ ẩm cần thiết. Sau đó là công đoạn phơi khô gạch trong một khoảng thời gian nhất định.
Gạch bông sau khi đã thành hình sẽ được đem đi ngâm nước qua một lượt. (Ảnh: secointile)
Công đoạn 6: Phủ chất bảo vệ bề mặt
Bước cuối cùng của quá trình sản xuất gạch bông là đánh bóng bề mặt. Nhờ công đoạn này mà viên gạch bông đạt đến độ sáng hoàn mỹ.
Suốt quá trình sản xuất là sự hiện diện của đôi tay người thợ làm gạch bông. Họ như những nghệ sĩ làm ra những sản phẩm tinh hoa cho đời.
Xem thêm: